Dạy văn mở tạo hứng thú để phát triển sáng tạo của học sinh lớp 2 khi viết văn.

Thứ năm - 13/02/2020 00:06
Dạy văn mở tạo hứng thú để phát triển sáng tạo của học sinh lớp 2 khi viết văn.
         Tiếng Việt rất quan trọng trong cuộc sống, trong giao tiếp, trong học tập và sinh hoạt. Trong trường tiểu học, môn tiếng Việt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tiếng Việt vừa là môn học chính, vừa là môn công cụ giúp học sinh tiếp thu các môn học khác. Dạy và học Tiếng Việt nhằm sử dụng ngày một tốt hơn tiếng mẹ đẻ của mình vào các hoạt động giao tiếp.
          Các em học sinh lớp 2 vốn sống còn ít, vốn hiểu biết về Tiếng Việt còn rất sơ sài, viết câu văn còn cụt lủn hoặc câu có thể có đủ ý nhưng chưa có hình ảnh. Các từ ngữ được dùng về nghĩa còn chưa rõ ràng. Việc trình bày, diễn đạt ý của các em còn ở mức độ rất sơ lược, đặc biệt là khả năng miêu tả. Dạy cho học sinh lớp 2 biết cách làm văn chính là dạy cho các em biết cách ứng xử các tình huống xảy ra trong cuộc sống nhằm giúp các em có khả năng hiểu Tiếng Việt hơn, biết dùng từ một cách phù hợp trong các tình huống.
          Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng chung của sự đổi mới phương pháp dạy học ở bậc tiểu học là làm sao để giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người tổ chức, định hướng cho học sinh hoạt động và huy động vốn hiểu biết của bản thân vào việc chiếm lĩnh tri thức mới.Việc vận dụng đổi mới phương pháp giảng dạy vào phân môn tập làm văn lớp 2 không phải dễ dàng bởi lẽ phân môn này hoàn toàn mới mẻ đối với các em học sinh lớp 2
        Trong học tập phân môn Tập làm văn thì viết bài văn là yêu cầu cốt lõi. Nhờ viết bài mà học sinh hiểu sâu sắc hơn bản chất của các tri thức được học, từ đó có khả năng vận dụng chúng linh hoạt trong nhiều tình huống cũng như trong phát triển tư duy. Sản phẩm của quá trình viết, bài văn, chính là nơi phản ánh rõ nét sự hình thành các kĩ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh. Phát triển sự sáng tạo để giúp học sinh tiểu học "Ý tưởng mới hơn, cách viết mới" so với cách thông thường mà các em vẫn làm và không mắc phải các lỗi thường gặp hiện nay khi viết văn. Hình thành ở các em các tri thức tiếng Việt, phải tạo hứng thú, niềm vui cho các em khi học Tiếng Việt nói chung và Tập làm văn nói riêng. Bài văn sáng tạo chỉ có thể hình thành khi học sinh viết nó với cảm hứng, niềm vui thích và sự tích cực.
Học sinh có sự hứng thú trong giờ học cũng chính là giúp cho các thầy cô giáo có cảm hứng, say mê trong mỗi giờ lên lớp. Khổng Tử từng nói: “Biết mà học, không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui mà học." Niềm vui và sự ham thích sẽ là một động lực lớn giúp học sinh vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập. Xuất phát từ những cơ sở đó, thầy cô giáo phải có những nỗ lực nhất định để phát huy khả năng của mình. Trong mỗi giờ lên lớp các thầy cô giáo không ngừng tự học tập và nghiên cứu để tìm ra những giải pháp nhằm gây hứng thú cho học sinh để các học sinh yêu thích, say mê môn học.
1. Làm cho học sinh nhận thức được mục tiêu, lợi ích của bài học.
Hứng thú là một thuộc tính tâm lí mang tính đặc thù cá nhân. Đối tượng của hứng thú chỉ là những cái cần thiết, có giá trị, có sức hấp dẫn với cá nhân. Vậy vấn đề gì thu hút sự quan tâm, chú ý tìm hiểu của các em? Trả lời được câu hỏi này nghĩa là người GV đã sống cùng với đời sống tinh thần của các em, biến đổi những nhiệm vụ học tập khô khan phù hợp với những mong muốn, nhu cầu, sở thích, nguyện vọng (tất nhiên là phải tích cực, chính đáng) của HS.
2. Tạo ra hệ thống bài tập luyện viết từ, câu sinh động, giàu xúc cảm
Nội dung dạy học Tập làm văn được chia ra rất nhiều cấp độ. Để giúp học sinh viết tốt, giáo viên phải giúp các em nắm vững các mạch kiến thức - kĩ năng, cụ thể hóa đến nhóm, kiểu, dạng bài tập và cho đến tận từng bài tập cụ thể.
3. Đổi mới cách ra đề tập làm văn
Với Tập làm văn, để kích thích hứng thú của học sinh, ta có thể thay đổi cách ra đề.
4. Phối hợp các phương pháp và các hình thức dạy học linh hoạt
Ngoài việc khai thác sự lí thú trong chính nội dung dạy học, hứng thú của     HS còn được hình thành và phát triển nhờ các phương pháp, thủ pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với sở thích của các em. Đó chính là cách tổ chức dạy học dưới dạng các trò thi đố, các trò chơi, tổ chức hoạt động sắm vai, tổ chức hoạt động học theo nhóm, tổ chức dạy học dự án, tổ chức dạy học ngoài không gian lớp học...
       Dạy học và ra đề Văn theo hướng “mở” sẽ phát huy năng lực sáng tạo, tư duy của học sinh. Đề “mở” là một hình thức rèn luyện tốt cho tư duy của học sinh một phương pháp tiếp cận cụ thể, hiệu quả. Thay vào việc dạy những bài văn mẫu, sao chép thụ động, giáo viên nên hướng dẫn cho học sinh phương pháp tư duy, cách thức trình bày, tiếp cận vấn đề chung. Bên cạnh đó, việc cập nhật các kiến thức từ các phương tiện thông tin đại chúng, vấn đề thời sự xảy ra hàng ngày cũng rất cần thiết.
        Cách thức đổi mới môn học này đòi hỏi giáo viên phải có sự sáng tạo, tận tâm trong giảng dạy, sẵn sàng tìm hiểu, lắng nghe những tâm tư, sáng tạo của học sinh đối với một đề văn khác với những suy nghĩ mà mình đã giảng cho các em. Nếu thực hiện tốt được điều này có nghĩa là người giáo viên đó đã “gieo” vào lòng học trò tình yêu tiếng Việt.
                                                                                             Nguồn tin bài
                                                                  Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ
 

Tác giả: Lê Thị Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây